Cái logic gợi nhớ của câu thơ cũng chỉ là cái logic rất thông thường: Lá rơi gợi nhớ cây, cây gợi nhớ rừng, nhớ đại ngàn trùng trùng điệp điệp. Nhưng đằng sau cái logic đó, có lẽ còn là chuyện của tâm can, hồn cốt, máu thịt đời người, chuyện của cuộc sống xã hội mà từ lâu lắm rồi tôi đã trăn trở nghĩ suy, vầy đằm trong ý nghĩ để bây giờ là lúc nó phải dâng trào, loang chảy…
Vâng, chiếc lá rơi ngoài cửa sổ đêm nay đã gợi tôi nhớ đến đại ngàn. Mà nào đã xa chi những đại ngàn ngày ấy. Chỉ mới hơn hai chục năm thôi, quanh TP Buôn Ma Thuột, nơi tôi ở bây giờ, chỉ cách mươi mười lăm cây số là những đại ngàn mênh mông bát ngát, đi cả ngày mỏi chân chưa hết cây rừng mà là đại thụ hẳn hoi mấy người ôm không xuể, thân cao vút, ngửa mặt nhìn tán lá chấp chới tận trời xanh. Đi về phía tây TP, quá Buôn Ky một quãng vài cây số đã là rừng Ea Nhôn kéo dài năm, bảy chục cây số, tít tắp đến tận Bản Đôn, Ea Súp. Đi về phía tây - bắc khoảng mười bốn, mười lăm cây số đã là rừng Cư M’gar, Buôn Gia Wầm rậm rạp, đầy gỗ quý như cẩm lai, cà te, giáng hương, cam xe, cà chít, sao, dổi... Từ Đắc Min lên Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắc Nông bây giờ, dọc dài suốt hai bên Quốc lộ 14 là rừng nối tiếp rừng. Rừng giăng lũy giăng thành. Rừng mát lạnh thịt da khi ta đi vào ngay cả giữa mùa nóng nực. Ngày ấy, bên kia hồ Ea Cao của TP Buôn Ma Thuột cũng là rừng. Ở đấy còn cơ man là nai, hoẵng, lợn rừng… thỉnh thoảng người dân còn săn bắt được nai, lợn nặng cả tạ đưa ra phố bán. Ngày ấy, đi đâu cũng gặp rừng. Mà là rừng nguyên sinh hẳn hoi với những thân gỗ cao vút, những tán lá tròn như cái ô xanh xòe trong nắng vàng, những sắc lá xanh, đỏ, tím, phớt hồng, phớt bạc tùy theo mùa, theo loài cây đẹp như có ai tô điểm, khiến tôi bị mê hoặc, nhiều khi đang đi trên đường buộc phải đứng lại sững sờ nhìn ngắm. Có lẽ vì thế mà sắc lá cây rừng, mà dáng thế của cây, mà làn hơi rừng thở mỗi sáng, mỗi chiều và cả lời tâm tình của rừng lúc u tịch, tôi đều cảm nhận được, bắt sóng được, giao hòa được rồi thấm vào tôi và trở thành tình cảm “nằm lòng”, để đêm nay “nghe tiếng lá rơi tôi bỗng nhớ đại ngàn”. Vâng, tôi nhớ rừng, nhớ đại ngàn da diết. Và không chỉ nhớ, tôi đã rơi nước mắt vì thương rừng, thương đại ngàn. Bởi rừng, bởi đại ngàn giờ đã tan tác, điêu linh!
Ôi, còn đâu nữa những cánh rừng mênh mông! Còn đâu nữa những đại ngàn trùng điệp! Bây giờ từ Buôn Ky đi Bản Đôn chỉ thấy nhà san sát nhà, cà phê san sát cà phê. Cả vùng rừng Cư M’gar giờ chỉ còn sót lại vài ba cây kơ nia đứng trơ trọi như để chứng giám cho một thời nơi đây đã có đại ngàn. Cả vùng Rừng Lạnh mênh mông nằm trên đường Đắc Min – Gia Nghĩa giờ cũng tan tác theo gió theo mây. Không chỉ rừng sản xuất phải “đội nón ra đi” mà cả rừng đặc dụng như Vườn Quốc gia Yốk Đôn, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô… cũng chỉ còn cái mã ngoài, ruột gan bên trong thì đã bị moi móc băm vằm tan tác. Thật đau đớn, xót xa!
Một thời, mất rừng là do cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tức là vừa quản lý, vừa khai thác, tiêu thụ. Các lâm trường là chủ rừng, hàng năm được cấp trên giao chỉ tiêu khai thác. Họ tự tổ chức lực lượng chặt cây và tự tiêu thụ. Chỉ tiêu một, họ có thể chặt năm, thậm chí chặt mười mà cấp trên và các ngành chức năng không biết, hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ để cùng nhau chia chác… Đây chính là hình thức phá rừng “đàng hoàng” nhất, có tổ chức nhất. Cơ chế này kéo dài suốt mấy chục năm trời, từ 1976 đến những năm 1993, 1994. Khi người ta kịp nhận ra sai lầm của lối quản lý “đốt nhà” đó thì hàng vạn ha rừng đã vĩnh viễn ra đi và bao nhiêu kẻ đã kịp nuốt cả cánh rừng “no đẫy bụng” và trở thành đại gia bất động sản ở Nha Trang, Sài Gòn.
Một thời người ta nói mất rừng chủ yếu vì dân di cư tự do chặt phá để lấy đất lập làng, làm rẫy. Hàng chục vạn đồng bào thiểu số từ các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang… và không chỉ đồng bào thiểu số, hàng vạn hộ người kinh từ đồng bằng Bắc Bộ, từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, từ các tỉnh duyên hải miền Trung ào ạt nhập cư Tây Nguyên. Chỉ lấy con số nhỏ thôi, mỗi hộ chặt một ha rừng để làm đất ở và canh tác thì con số diện tích rừng bị phá cũng đã lên tới hàng trăm ngàn ha… Đó là sự thật, không ai có thể phủ nhận.
Nhưng cũng còn một sự thật khác “tế nhị” hơn, thầm kín hơn, nhưng đau đớn hơn nhiều. Ấy là việc nhiều kẻ bất lương có chức có quyền trong quản lý rừng, quản lý xã hội, lợi dụng “cái tiếng” đồng bào di cư tự do phá rừng, bí mật thuê người tổ chức chặt phá nhiều vùng rừng rộng lớn, sau đó làm thủ tục “xin thu gom gỗ do đồng bào di cư tự do chặt phá để tránh lãng phí…”; nhưng sau đó gỗ thu gom thì một, gỗ chặt cây đứng thì mười và rồi vẫn được kiểm lâm nghiệm thu đóng dấu búa “đàng hoàng” để chở về miền xuôi tiêu thụ. Diện tích rừng bị chặt trắng, những kẻ bất lương nói trên liền “tận dụng” làm rẫy cà phê, hoặc trồng các loại cây khác chiếm đất, biến rừng của nhà nước thành đất vườn, đất rẫy của nhà, sau đó lại bán cho người khác để đút túi bạc tỷ(!)
|
Nếu tình trạng phá rừng cứ diễn ra như hiện nay thì trong vài năm nữa rừng ở Tây Nguyên sẽ biến mất. Ảnh:Thiennhien.Net |
Càng đau đớn hơn khi hôm nay, rừng đã bị phá gần hết, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên - những phần còn sót lại của đại ngàn xưa – trở thành mục tiêu tấn công của lâm tặc. Mà lâm tặc bây giờ có ở trong mọi ngành, mọi cấp, nó đa dạng, đa hình, nó giấu tên, giấu tuổi sau cái mặt nạ quan chức đầy đạo đức, quyền uy. Có loại lâm tặc vác máy cầm rìu vào rừng trực tiếp chặt cây, nhưng cũng có loại lâm tặc phá rừng thông qua việc ban hành các quyết định, văn bản cho phép thu gom gỗ, cải tạo rừng vô lý, hoặc là bảo kê cho các đường dây khai thác, vận chuyển gỗ trái phép…
Trong năm 2010 người viết bài này đã có 2 lần vào tận vùng lõi của Vườn Quốc gia Yốk Đôn (Đắc Lắc), được thấy rõ Vườn Quốc gia bây giờ chỉ còn cái vỏ ngoài còn gan ruột thì đã bị moi móc, chặt phá tan hoang. Cách đây khoảng 10 năm Vườn quốc gia Yốk Đôn (rộng 115.545 ha) còn là cái kho tài nguyên khổng lồ về đa dạng sinh học với hệ động vật, thực vật phong phú vào hàng bậc nhất Việt Nam (hệ thực vật có 474 loài thuộc 101 họ, 328 chi, trong đó có 19 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam; hệ động vật có 66 loài thú, 241 loài chim, 46 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 30 loài cá, trong đó có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam). Đặc biệt ở đây có nhiều loại gỗ quý, nổi tiếng, như cà te, cẩm lai, trắc, giáng hương… Nhưng bây giờ gỗ cà te, cẩm lai, trắc ngay giữa vùng lõi của vườn cũng đã “sạch bách”. Giáng hương cũng đã gần cạn kiệt, lâm tặc đã bắt đầu chặt sang loại gỗ “ít tiền” hơn là cam xe, gõ, cà chít…
Vì sao giữa vườn quốc gia mà lâm tặc lại lộng hành ngang nhiên đến thế? Lãnh đạo vườn quốc gia ở đâu? Kiểm lâm của vườn, của huyện, của tỉnh ở đâu? Cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường ở đâu? Các ngành chức năng và chính quyền các cấp ở đâu? Tất cả họ vẫn tại vị đấy thôi. Họ vẫn đường đường chính chính hô hào trên các diễn đàn rằng “phải tăng cường mạnh mẽ, phải quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ rừng” đấy thôi. Nhưng kỳ lạ là vườn quốc gia vẫn cứ bị chặt phá hàng ngày, hằng đêm; và đêm nào cũng có gỗ quý từ vườn quốc gia âm thầm tuôn chảy về TP Buôn Ma Thuột và từ đó đi TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Định…
Kỳ lạ lắm, ngày 7.4.2010 chúng tôi vào tiểu khu 508 của Vườn quốc gia Yốk Đôn, được tận mắt thấy tới 17 cây gỗ cẩm lai và hàng chục cây gỗ hương (có cây đường kính trên 1m) bị lâm tặc “chặt trộm” bằng cưa máy. Kỳ lạ là những cây gỗ này chỉ cách Trạm kiểm lâm số 5 của Vườn quốc gia Yôk Đôn chưa đến vài trăm mét. Không hiểu lâm tặc đã nhốt tiếng máy cưa ầm ĩ chói tai bằng cách nào, biến hóa cách nào mà cả trạm kiểm gần chục người không ai nghe, không ai biết. Kỳ lạ là hằng đêm bọn lâm tặc đưa gỗ về Buôn Ma Thuột đâu phải bằng phép “cân đẩu vân” như Tề Thiên Đại Thánh, mà phải dùng xe ô tô, xe công nông để chở trên đường tỉnh lộ hẳn hoi, nhiều người dân thấy lâm tặc chở gỗ rõ ràng, nhưng các ngành chức năng thì không thấy, hoặc thỉnh thoảng mới thấy một vài vụ. Phải chăng là lâm tặc có phép làm mù mắt các cơ quan chức năng? Kỳ lạ là khi có người dân phát hiện nêu đích danh tên tuổi lâm tặc, ngày giờ, số lượng gỗ vi phạm rất cụ thể và làm đơn gửi cho các ngành chức năng đề nghị xử lý, nhưng các ngành chức năng nhận đơn rồi “ngâm dấm”, hơn một năm sau người dân thắc mắc thì được trả lời “rất có trách nhiệm” rằng “chúng tôi đã và đang xem xét để xử lý nghiêm minh”. Vâng, họ làm nghiêm minh lắm, nghiêm minh đến mức một vụ vi phạm lâm luật có chứng cứ rõ ràng mà phải xem xét, xác minh hơn cả năm trời chưa xong...
Với một hệ thống quản lý rừng như vậy thì mất rừng, mất cả đại ngàn là lẽ đương nhiên. Tôi dám đồ rằng: Chỉ khoảng mười năm nữa Vườn Quốc gia Yôk Đôn và nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Đắc Lắc sẽ chỉ còn cái tên mà thôi. Bấy giờ đại ngàn chỉ còn trong hoài niệm. Đại ngàn sẽ là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu đối với con cháu chúng ta ở vài chục năm sau. Bấy giờ sự trả thù của thiên nhiên đối với con người chắc chắn cũng sẽ khốc liệt hơn. Hạn hán, lũ lụt sẽ khủng khiếp hơn. Bấy giờ, đa số con dân của Tây Nguyên sống bằng ruộng đất sẽ biết đi đâu về đâu, trong khi những quan chức đồng lõa với lâm tặc, những đồ tể phá rừng đã có trong tay hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, có những biệt thự nguy nga tráng lệ ở Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và đã cao chạy xa bay khỏi Tây Nguyên trơ trọi…
Đêm cuối đông, nằm nghe trời đất chuyển mùa, nghe tiếng lá rơi, ngẫm nghĩ… bỗng nhớ rừng, nhớ đại ngàn quá đỗi, thấy thương và thấy lo cho đất cho rừng Tây Nguyên quá đỗi. Nhưng tôi biết làm gì cho đất, cho rừng Tây Nguyên? Vâng, là người cầm bút, tôi chỉ biết viết ra những suy nghĩ thật của lòng mình như là một lời nhắn gửi: Hỡi tất cả những ai có quyền lực đang quản lý mảnh đất Tây Nguyên này hãy thật lòng ra tay cứu lấy những cánh rừng còn lại khi còn chưa quá muộn!