Bài văn Nghị luận (Argument Paper) là loại bài tập phổ biến nhất bậc Đại học, cho phép sinh viên thể hiện khả năng suy nghĩ logic và tư duy phản biện. Từ đó, giúp Giáo sư có cái nhìn khách quan và đánh giá được khả năng học thuật của sinh viên. Vậy cấu trúc và cách viết một bài văn Nghị luận ở bậc Đại học có những điểm gì cần chú ý? Cùng Hotcourses Vietnam khám phá ngay nào!
> Cách làm bài tiểu luận đúng chuẩn: Dạng bài "Exploratory Papers"
> Cấu trúc bài tiểu luận đúng chuẩn: Dạng bài "Research Paper"
Văn nghị luận là gì?
Bài luận nghị luận là một loại bài viết trình bày và phân tích mạch lạc và hợp lý về một chủ đề cụ thể. Mục tiêu là thuyết phục người đọc chấp nhận quan điểm hoặc ý kiến của người viết về chủ đề đó. Một bài văn nghị luận thường có các đặc điểm sau:
-
Lập luận phải được nêu rõ trong câu luận đề.
-
Phải đưa ra các dẫn chứng để chứng minh cho lập luận trong các đoạn văn chính của bài viết.
-
Trích dẫn bất kỳ thông tin nào đã được sử dụng từ một nguồn trong bài viết.
Cách viết bài văn nghị luận?
Bố cục của bài văn Nghị luận gồm ba phần: Phần mở đầu, Phần thân bài và Phần kết luận.
Phần mở đầu
Phần mở đầu của bài văn Nghị luận phải giải thích được mục đích của bài viết, lý do người đọc nên đọc bài viết và đưa ra quan điểm của người viết về vấn đề được nhắc tới.
Cấu trúc của phần mở đầu:
-
Bắt đầu bằng câu đặt bối cảnh. Một bài văn nghị luận xã hội bắt đầu bằng một câu văn định hướng người đọc, cung cấp thông tin chung về nội dung chính của bài viết, giải thích tình huống để họ có thể hiểu được chủ đề cũng như những luận điểm mà bạn đưa ra và trình bày trong các phần tiếp theo.
-
Sau đó, hãy nêu mục đích của bài viết, giải thích lý do tại sao vấn đề sắp được đề cập trong bài đó lại quan trọng để cho người đọc biết tại sao họ nên quan tâm và tiếp tục đọc. Mục tiêu của bạn là tạo ra một bài luận hấp dẫn, rõ ràng và thuyết phục mà mọi người sẽ muốn đọc và có những hành động hay suy nghĩ, nghiên cứu sau khi đọc bài văn nghị luận.
-
Cuối cùng, hãy nêu luận điểm. Bạn cần viết một hoặc hai câu nêu rõ quan điểm mà bạn sẽ ủng hộ hoặc phản đối. Phần thân bài sẽ là phần triển khai, giải thích và đi sâu hơn vào các luận điểm này.
Phần thân bài
Phần thân bài sẽ củng cố những luận điểm đưa ra bằng các ví dụ, số liệu thống kê, nghiên cứu và trích dẫn văn bản. Phần này cũng giải quyết các quan điểm đối lập và bác bỏ chúng hoặc giải thích lý do tại sao bạn không đồng ý với chúng. Từ đó, giúp tăng thêm độ tin cậy cho lập luận của bạn.
Cấu trúc của thân bài:
Phần thân bài bao gồm các đoạn. Mỗi đoạn có chức năng riêng giúp giải quyết vấn đề của đề bài. Phần này nên được sắp xếp theo kiểu từ Chung chung (General) đến Cụ thể (Specific)
Ngoài ra, phần thân bài được xây dựng từ nhiều đoạn văn. Mỗi đoạn văn tốt phải có ít nhất bốn yếu tố sau: Chuyển tiếp (Transition), Câu chủ đề (Topic sentence), Bằng chứng (Evidence) và phân tích cụ thể và một câu tóm tắt ngắn gọn (Brief wrap-up). Cấu trúc này gọi là TTEB.
Ngoài ra, hãy lưu ý những điểm sau:
-
Mỗi đoạn văn nên bắt đầu bằng một câu chuyển tiếp dẫn ý từ một đoạn văn trước đó để đảm bảo bài viết thật trôi chảy.
-
Một câu chủ đề cho người đọc biết bạn sẽ trình bày điều gì trong đoạn văn.
-
Bằng chứng và luận cứ hỗ trợ cho các luận điểm lớn và lý lẽ lập luận của người viết.
-
Cuối mỗi đoạn văn nên có một câu tóm tắt ngắn gọn cho người đọc biết lý do tại sao thông tin đề cập trong đoạn văn này hỗ trợ luận điểm của toàn bài. Phần này rất quan trọng vì nó kết nối lý lẽ và lập luận với luận điểm, đồng thời cho thấy thông tin trong đoạn văn có liên quan đến quan điểm ở phần mở đầu và giúp bảo vệ quan điểm đó.
Phần kết luận
Phần Kết luận của bài văn nghị luận tóm tắt những gì bạn đã thảo luận và trình bày trong bài viết của mình. Phần này tổng quát hóa các điểm chính trong lập luận và cũng có thể gợi ý thêm về các hành động hoặc nghiên cứu tổng quan có thể có trong tương lai.
Cấu trúc của phần Kết luận:
-
Nhắc lại chủ đề bài viết và tầm quan trọng của nó,
-
Nhắc lại luận điểm / tuyên bố của bạn,
-
Phản bác các quan điểm đối lập một lần nữa và giải thích lý do tại sao người đọc nên đồng ý với quan điểm của bạn
-
Kêu gọi hành động hoặc đề xuất các khả năng nghiên cứu trong tương lai.
Hotcourses.vn
Những lưu ý khi viết bài văn nghị luận?
Khi viết một bài văn nghị luận, việc hiểu cấu trúc văn nghị luận là rất quan trọng. Tuy nhiên, có một số lưu ý bạn nên nắm rõ để tạo nên một bài viết thật thuyết phục và logic.
Phương pháp viết bài văn nghị luận
Bạn có thể chọn một trong 3 cách dưới đây hoặc kết hợp chúng trong bài viết của mình:
-
Phương pháp Aristotelian: Trình bày lập luận chính, nêu ý kiến của bạn và cố gắng thuyết phục người đọc tại sao quan điểm của bạn là đúng. Phương pháp này trình bày các luận điểm một cách rõ ràng và súc tích, vì vậy nó hiệu quả khi đối tượng người đọc của bạn không có nhiều thông tin hoặc ý kiến mạnh mẽ về chủ đề.
-
Phương pháp Rogerian: Trình bày vấn đề, thừa nhận mặt đối lập của lập luận, nêu quan điểm của bạn và giải thích tại sao quan điểm của bạn có lợi nhất cho người đọc. Kiểu lập luận này hiệu quả đối với các vấn đề có hai mặt, vì nó thừa nhận cả hai mặt và trình bày lập trường trung lập.
-
Phương pháp Toulmin: Bắt đầu bằng một lời khẳng định mà bạn muốn đưa ra, trình bày các dẫn chứng để củng cố cho khẳng định này, sau đó chứng minh rằng các dẫn chứng đó có liên quan đến quan điểm của bạn. Kiểu lập luận này cũng hiệu quả đối với các chủ đề có hai mặt, nhưng thay vì trình bày cả hai mặt, nó trình bày một mặt, đặc biệt là các vấn đề khó tranh luận.
Cách viết luận điểm
Luận điểm của bạn chỉ dài một câu luận đề, nhưng đó là phần quan trọng nhất của bài văn nghị luận. Nó xuất hiện trong đoạn mở đầu, giúp tóm tắt nội dung bài luận và giúp người đọc hình dung những ý tiếp theo.
-
Biến chủ đề thành một câu hỏi và trả lời nó: Đặt một câu hỏi lớn trong tiêu đề bài luận hoặc trong vài câu đầu tiên. Sau đó, trả lời câu hỏi đó trong câu luận đề của bạn. Điều này rất hiệu quả vì những câu hỏi thường thu hút người đọc và khuyến khích họ tiếp tục đọc để tìm câu trả lời.
-
Nêu một lập luận và bác bỏ nó: Lúc này, hãy trình bày một phản đề (lập luận trái ngược với quan điểm của bạn) và giải thích tại sao bạn không đồng ý với nó. Phương pháp này hiệu quả vì nó sử dụng bằng chứng và chứng minh cho độ tin cậy của bạn.
-
Tóm tắt các điểm chính: Giới thiệu các điểm chính của bài luận và giải thích cách bạn sẽ ủng hộ cho quan điểm này. Làm như vậy sẽ giúp định hướng người đọc về những điều bạn sẽ thảo luận trong bài viết.
Các loại câu luận điểm
Có 5 loại câu luận điểm có thể giúp bạn xây dựng và củng cố các ý trong bài văn nghị luận xã hội:
-
Câu luận điểm sự thật: Khẳng định hoặc bác bỏ một quan điểm có tính khách quan.
-
Câu luận điểm định nghĩa: Đưa ra định nghĩa trong từ điển về những gì bạn đang tranh luận, cùng với cách diễn giải cá nhân của bạn về nó.
-
Câu luận điểm giá trị: Tầm quan trọng của những gì bạn đang tranh luận.
-
Câu luận điểm nguyên nhân và kết quả: Nguyên nhân gây ra vấn đề trong bài luận của bạn và nó có những tác động gì.
-
Câu luận điểm chính sách: Lý do tại sao người đọc nên quan tâm và họ nên làm gì sau khi đọc.
Bài viết được chỉnh sửa bởi tác giả Hoàng Thanh Phương vào ngày 14/10/2024